Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đối với nhà ở xã hội, nên giảm bớt đối tượng được mua và chỉ dành cho đối tượng đặc biệt.
– PV: Nhà tái định cư từng được kỳ vọng sẽ giúp ổn định cuộc sống cho những gia đình thuộc diện giải tỏa. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, hình thức này lại nảy sinh nhiều phức tạp, dân thiếu mặn mà. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?
Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã đề nghị không xây dựng nhà tái định cư ở các đô thị đã có nhiều loại nhà ở khác nhau. Đặc biệt, theo quy định của Luật nhà ở đền bù cho dân theo giá thị trường để người dân tự chủ động đi mua.
– Vậy vì sao nhà tái định cư vẫn được xây dựng và triển khai, thưa ông?
Luật Đất đai hiện đang có một quy định: Phải có nhà tái định cư cho dân trước khi thu hồi đất. Quy định này đã có từ lâu nhưng vẫn chưa sửa theo quy định mới của Luật nhà ở. Do đó, một số tỉnh vẫn thực hiện theo phương thức xây nhà tái định cư. Họ đã lập dự án rồi nên dẫn tới tình trạng nhà ở tái định cư tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng dân không nhận, không có ai đến ở, gây nên tình trạng nhà bỏ hoang, xuống cấp.
Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nên giảm bớt đối tượng được mua nhà ở xã hội và chỉ dành cho đối tượng đặc biệt |
Sở dĩ người dân không đến ở nhà tái định cư là bởi hầu hết chất lượng kém, giá nhà còn cao, quản lý không chuyên nghiệp… Thậm chí, giá nhà tái định cư của một số tư nhân còn đắt hơn cả giá nhà thương mại…
– Bên cạnh nhà tái định cư, nhà ở xã hội cũng là loại hình dành cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Vậy loại hình này nên phát triển thế nào để giữ được mục đích như ban đầu đưa ra, thưa ông?
Về nhà ở xã hội, tôi không phản đối xây dựng nhưng có đề nghị nên giảm bớt đối tượng được mua nhà và chỉ dành cho đối tượng đặc biệt. Nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc được trợ cấp rất lớn chỉ nên cần dành cho đối tượng cần trợ cấp, chứ không phải dành cho những đối tượng rộng rãi như hiện nay (cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, …). Theo tôi, những đối tượng này nên chuyển sang loại nhà ở giá rẻ.
Nhà ở giá rẻ tức là Nhà nước chỉ đưa ra quy hoạch bắt buộc phải làm nhà bao nhiêu phần trăm tại các khu đô thị. Chẳng hạn, với khu Trung Hòa Nhân Chính, diện tích là 100ha thì cần phải dành ra bao nhiêu phần trăm cho căn hộ giá rẻ với diện tích từ 35 – 40m2. Theo đó, những người đang nằm trong đối tượng nhà ở xã hội nên đổi thành nhà ở thu nhập thấp và được nhà nước trực tiếp trợ cấp thông qua lãi vay ưu đãi tại Ngân hàng.
– Thưa ông, nếu thay nhà ở xã hội thành nhà ở giá rẻ thì vai trò của Nhà nước sẽ nằm ở đâu để hỗ trợ những nhóm người đang gặp vấn đề eo hẹp về tài chính có một mái nhà để an cư lập nghiệp?
Nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp có hai vấn đề quan trọng. Một là đối với các chủ đầu tư, được bán theo giá thị trường. Hai là, toàn bộ những thứ miễn như miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp… nên nhập vào quỹ phát triển nhà ở để bù lãi suất và cộng với các quyền khác nữa cho những người đối tượng như tôi nói ở trên khi đi mua nhà. Có nghĩa là những ưu đãi không nên thông qua con đường dành cho chủ đầu tư mà chuyển trực tiếp cho người mua nhà. Làm như vậy cũng tránh được tình trạng hai giá và xin cho. Tất cả các chủ đầu tư đều làm theo cơ chế thị trường bán nhà và quản lý nhà theo cách thương mại.
– Vậy theo ông liệu rằng nhà ở giá rẻ sẽ có giải quyết được triệt để “bài toán” nhà ở cho nhóm khách hàng đang eo hẹp về nguồn tài chính?
Cán bộ công nhân, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, dân nghèo thành thị là những đối tượng lớn nhất mà chúng ta đang cần giải quyết. Những đối tượng này nên quan tâm tới phân khúc nhà ở giá rẻ. Các căn hộ có diện tích 35-40m2 sẽ giải quyết được nhu cầu cho những người có thu nhập thấp.
Các nhà đầu tư sẽ cạnh tranh với nhau về giá bán, chất lượng, quản lý hậu xây dựng. Ai làm tốt sẽ bán được nhiều. Chẳng hạn như ở Bình Dương, làm nhà ở xã hội mà cứ nhà giá rẻ thì bán bao nhiêu cũng hết.
– Theo ông, cần phải thay đổi hành lang pháp lý như thế nào để giải quyết được “bài toán” sở hữu nhà ở của người dân?
Tôi đã đề nghị sửa Luật Nhà ở liên quan đến đối tượng và cơ chế chính sách đối với chủ đầu tư, quy hoạch. Chúng ta cần phải bỏ cơ chế xin cho. Thực tế, những cơ chế xin cho đều rơi vào lợi ích nhóm mà không giải quyết được vấn đề. Thậm chí, còn nảy sinh ra các vấn đề phức tạp khác.(Theo Người Đô thị)