Quỹ bảo trì chung cư: Miếng mồi béo bở ai cũng muốn “ôm”

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 3.000 nhà chung cư, và chủ yếu tập trung ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Đây cũng là những điểm “nóng” về tranh chấp quỹ bảo trì chung cư.

Cụ thể, Hà Nội có 507 tòa chung cư thương mại vẫn chưa bàn giao phí bảo trì cho cư dân dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm. Tranh chấp liên quan đến phí bảo trì chung cư xảy ra tại trên 108 dự án, chiếm 36% các vụ tranh chấp tại các chung cư.

Còn tại Tp.HCM, trong số 1.440 chung cư có 38 dự án xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp gay gắt, cũng chủ yếu xoay quanh kinh phí vận hành và quỹ bảo trì tòa nhà. Đáng chú ý, các tranh chấp càng trở nên “nóng” hơn khi một số chủ đầu tư cố tình không đóng góp kinh phí bảo trì cho phần sở hữu chung tại các tòa nhà.

Điển hình như tại dự án chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, Tp.HCM), gần 5 năm nay, cư dân trong tòa nhà đã nhiều lần gửi đơn tố cáo lên UBND TP để nhờ can thiệp lấy lại số tiền 5,8 tỉ đồng phí bảo trì chung cư. Tuy nhiên, Công ty Khang Gia, chủ đầu tư dự án vẫn chây ì không trả.

Thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, cho biết sau khi UBND TP mạnh tay hơn bằng văn bản xử phạt và buộc chủ đầu tư bàn giao ngay kinh phí bảo trì ban quản trị chung cư thì công ty này quay ra xin được trả góp 300 triệu đồng/tháng.

quỹ bảo trì chung cư

Tranh chấp tại các chung cư chủ yếu liên quan đến quỹ bảo trì. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

“Cư dân đã không đồng ý và thống nhất đề nghị UBND TP chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư nếu không bàn giao 2% phí bảo trì nhà chung cư, bởi hiện nay ban quản trị chung cư vẫn chưa nhận được kinh phí bảo trì khiến việc bảo trì, sửa chữa những trang thiết bị lớn trong chung cư gặp khó khăn. Hiện các hư hại của chung cư này cư dân phải tự đóng thêm tiền để sửa”, ông Hùng cho hay.

Các cư dân của chung cư Tân Tạo 1 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng tố Công ty Thái Sơn, chủ đầu tư dự án không chịu lập tài khoản để sử dụng kinh phí bảo trì 2%; không bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo quy định; đồng thời không nộp kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu riêng.

Ngoài chủ đầu tư muốn “ôm” phí bảo trì, những người trong ban quản trị cũng nhòm ngó khoản tiền này. Chẳng hạn tại chung cư An Lạc (quận Bình Tân, Tp.HCM), cư dân phải cầu cứu khắp nơi trước tình trạng quỹ bảo trì bị trưởng ban quản trị chung cư tiêu xài vô tội vạ, không minh bạch nên khi chung cư xuống cấp không còn tiền sửa chữa. Còn tại chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình), số tiền phí bảo trì lên tới 11 tỉ đồng nên nhiều nhóm đang nhắm đến, thậm chí họ còn nhiệt tình đi vận động người dân bầu cho mình vào ban quản trị.

Lãnh đạo một công ty bất động sản giải thích: “Tại các chung cư do công ty này đầu tư, số tiền quỹ bảo trì rất lớn, có dự án lên đến 50 tỉ đồng và trở thành miếng mồi béo bở. Nhiều cư dân gửi đơn thư khiếu nại về việc không bàn giao quỹ bảo trì cho họ, nhưng khi xem xét kỹ thấy đa số những người đòi lại nguồn tiền này là những người nhân danh tập thể cư dân, bảo vệ quyền lợi cư dân để vào ban quản trị nhằm toàn quyền quản lý số tiền.”

“Tại một khu chung cư sau khi chúng tôi bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, đã bị bốc hơi hơn 1 tỉ đồng mà không biết dùng vào việc gì. Trong khi đó, ông trưởng ban quản trị đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống không ai biết. Chủ đầu tư đã báo công an nhưng rất lâu rồi vẫn chưa giải quyết được do luật không có quy định cụ thể về vấn đề này. Đặt trường hợp nếu họ ôm số tiền mấy chục tỉ bỏ trốn thì cư dân sẽ bị thiệt hại rất lớn, bởi căn hộ của họ có thể bán bất cứ lúc nào không ai biết. Do vậy, chúng tôi cũng lo lắng nếu bàn giao số tiền này về cho ban quản trị quản lý. Nhưng nếu bàn giao không đúng quy định thì doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải có quy định và chế tài ban quản trị chặt chẽ hơn chứ không thể buông lỏng quản lý như hiện nay”, vị lãnh đạo trên cho biết.(Theo Thanh Niên)